Băng bảo vệ đầu gối – Khi nào bạn cần phải dùng đến?

Băng bảo vệ đầu gối là một món phụ kiện thể thao vô cùng quan trọng và được sử dụng cực kì phổ biến. Không chỉ xuất hiện ở bộ môn chạy bộ, hầu hết các môn thể thao chúng ta đều có thể bắt gặp những chiếc băng gối này.
 
Đối với những môn thể thao bắt buộc phải sử dụng nhiều sự vận động của chân thì đầu gối chính là một trong những vị trí khớp chịu nhiều tác động nhất. Và tất nhiên việc dẫn đến chấn thương đầu gối cũng hết sức phổ biến. Chẳng hạn như chấn thương giãn dây chằng khớp gối, nhuyễn sụn, đau bánh chè,…
 
Khi đó, những chiếc băng gối được xem như là một giải quyết tối ưu để giải quyết vấn đề này. Vậy thực sự những chiếc băng này có tác dụng như thế nào? Khi nào chúng ta mới cần dùng đến? Và cách sử dụng thế nào cho khoa học? Hãy đồng hành cùng mình trong bài viết này để tìm hiểu chi tiết nhé.
 
băng bảo vệ đầu gối
 
 
Băng bảo vệ đầu gối là một phụ kiện thể thao được sử dụng nhằm hỗ trợ và bảo vệ đâu gối khi tham gia các hoạt động thể dục, thể thao. Đặc biệt là ở những bộ môn có cường độ vận động của chân lớn. Cũng có thể nó sẽ được dành cho những người có tiền sử chấn thương đầu gối hay bị yếu ở phần khớp này.
 
Những chiếc băng gối này thường được làm bằng cao su kết hợp polyester. Nhờ đó mà chúng có khả năng co giãn và tạo lực nén rất tốt. Đây chính là mấu chốt giúp những chiếc băng này có thể làm hạn chế chuyển động của đầu gối. Từ đó giảm thiểu tối đa chấn thương liên quan đến vị trí khớp này.
 

Công dụng của băng bảo vệ đầu gối

Những chấn thương liên quan đến đầu gối

Mặc dù khớp gối là một khớp lớn, có sức chịu tải cao, tuy nhiên trong những trường hợp vận động thiếu khoa học thì việc dẫn tới chấn thương là một điều hoàn toàn dễ hiểu. Và tất nhiên chấn thương đầu gối cũng rất khó để bình phục như ở nhiều vị trí khác.
 
Ở bộ môn chạy bộ, khi bạn tiếp đất, trọng lực tác động lên đầu gối cao gấp 4 lần so với bình thường. Kết hợp với các chuyện động co, giãn, xoay khớp quá giới hạn có thể dẫn đến những chấn thương không đáng có. Điển hình có thể kể đến là tình trạng bong gân hay đau bánh chè đầu gối.
 
Đầu gối là một trong những vị trí khớp chịu nhiều tác động nhất khi chạy bộ
Chúng ta có thể kể đến một số loại chấn thương đầu gối điển hình và phổ biến mà các runner rất hay gặp phải như:
 

Đứt dây chằng chéo trước

Dây chằng chéo trước có chức năng liên kết xương đùi và xương ống chân, giúp cố định chắc chắn và hạn chế dịch chuyển của xương chày. Chấn thương này có nguy cơ xảy ra ở phụ nữ thường cao hơn nam giới. Dấu hiệu nhận biết đó là nó sẽ phát ra âm thanh “lục cục” khi bạn dịch chuyển vùng khớp này. Cảm giác đau nhói và khó có thể tiếp tục vận động. Thông thường đầu gối sẽ bị sưng tấy trong vòng 1-2 giờ sau khi dây chằng bị đứt.

Đứt hoặc dập dây chằng bên

Dây chằng này khó có thể bị đứt hoàn toàn khi gặp phải tác động xoay lớn. Thông thường chỉ bị giãn, dập hay phù nề. Loại chấn thương này khá nghiêm trọng nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời. Lý do bởi nó có thể ảnh hưởng đến cấu trúc khớp gối và khả năng hoạt động của những vị trí lân cận.

Rách sụn chêm

Đây là một chấn thương thường đi kèm với tình trạng đứt dây chằng chéo trước, sau và dây chằng bên. Hoặc cũng có thể là hậu quả của những chấn thương trước đó. Khi bị rách sụn chêm, cảm giác đau thường kéo dài và tập trung ở một vị trí. Khi co đầu gối hoặc khi leo cầu thang, ngồi xổm có thể thấy rõ cảm giác đau ở vị trí khớp này.

Đau xương bánh chè

Đây là một dạng chấn thương cũng hết sức phổ biến. Thông thường đến từ việc tiếp đất sai cách và với xung lực quá mạnh. Bạn sẽ thấy cảm giác đau nhức trong từng bước đi. Và tất nhiên cũng sẽ mất rất nhiều thời gian để bình phục chấn thương này.

Trật khớp gối

Một chấn thương cực kì hiếm, nhưng không phải là không có. Bởi vì khớp gối là một khớp lớn và được kết nối rất chặt chẽ. Người bị dạng chấn thương này sẽ bị tổn thương rất nặng và chắc chắn phải nhờ đến phẫu thuật để can thiệp.

Công dụng của những chiếc băng gối

Băng gối sẽ giúp bạn hạn chế rất nhiều những nguy cơ dẫn đến những chấn thương kể trên. Nếu đầu gối bạn hoàn toàn bình thường thì cũng có thể sử dụng những chiếc băng gối này trong khi tham gia những môn thể thao có độ khó cao. Hoặc không thì sử dụng để đề phòng cũng là một sự lựa chọn hợp lý.
 
Đối với những bạn có đầu gối yếu hoặc bị tổn thương do hậu chấn thương gối để lại, băng gối có thể giúp hỗ trợ và bảo vệ vị trí khớp này một cách hữu hiệu.
 
băng bảo vệ đầu gối
Băng gối được sử dụng rất phổ biến trong vật lý trị liệu
Tuy nhiên đi kèm với mức độ bảo vệ thì mức độ thoải mái cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thông thường mức độ hỗ trợ sẽ có 3 cấp độ (từ level 1 đến level 3). Cấp độ 1 ít hỗ trợ nhất nhưng lại thoải mái nhất. Nó thường có dạng băng quấn hoặc băng xỏ gối.
 
Cấp độ 2 hỗ trợ nhiều hơn đáng kể so với cấp độ 1. Tuy nhiên bạn sẽ gặp phải một chút khó chịu nhất định đấy. Còn ở cấp độ 3 thì thường được sử dụng trong vật lý trị liệu. Nó có dạng các thanh nẹp, dây đai nhằm hỗ trợ tối đa trong những trường hợp đang bị hoặc hồi phục chấn thương.
 
Tuỳ từng mục đích sử dụng và tình trạng của đầu gối mà các bạn sẽ quyết định xem loại nào phù hợp với mình. Mỗi loại sẽ có mức độ bảo vệ và mức độ thoải mái khác nhau.
 

Có những loại băng bảo vệ đầu gối nào?

Nếu phân loại theo mức độ hỗ trợ thì băng gối có thể được chia thành 3 loại kể trên. Ngoài ra còn có mức 3+ với mức độ bảo vệ tối đa. Thông thường chỉ có bác sĩ mới có thể tư vấn và giúp bạn sử dụng chúng một cách khoa học.
 
Còn nếu phân loại theo hình thức đeo lên chân thì có thể kể đến một số loại như:
 

Băng quấn gối (level 1)

Đây là loại băng hết sức đơn giản và cũng rất dễ để sử dụng. Thông thường chúng được sử dụng phổ biến trong gym với những bài gánh tạ, squad nặng. Chạy bộ thì mức độ phổ biến thấp hơn. Những chiếc băng này tuy đơn giản những có thể giúp bạn hạn chế những chấn thương liên quan đến bánh chè, xương chày đấy.
 

 

Băng xỏ gối (level 1)

Đây là loại băng gối được sự dụng cực kì phổ biến. Nó thực sự đơn giản, tiện dụng và mức độ bảo vệ phù hợp với đông đảo người chơi thể thao. Những loại băng này có mức độ co giãn và ôm đầu gối cực tốt. Bạn có thể lựa chọn size sao cho phù hợp với kích thước đầu gối. Nhờ tính năng này mà bạn sẽ hạn chế được chuyển động xoay của khớp gối cũng như giảm sưng đau, phù nề vùng khớp này.
 

 

Đai đeo gối (level 2)

Loại đai này còn được gọi với cái tên là Dual wap. Lý do là bởi nó có 2 miếng dán để cố định phần trên và dưới đầu gối. Phần bánh chè thường sẽ để hở để đảm bảo sự thoải mái và dễ chịu. Loại đai này có mức độ hỗ trợ cao hơn băng quấn gối hay băng xỏ gối rất nhiều. Thông thường nó sẽ được sử dụng trong trường hợp đang hồi phục chấn thương hoặc trong các môn thể thao có độ khó cao đến rất cao.
 

 

Nẹp đầu gối (level 3 và level 3+)

Loại nẹp này chúng ta thường bắt gặp trong vật lý trị liệu nhằm hồi phục những chấn thương nặng sau phẫu thuật. Nó được cấu thành từ những thanh, nẹp, dây chằng bằng các chất liệu nhựa, chất dẻo hoặc thậm chí là kim loại.Thường thì có những chấn thương nặng mới sử dụng đến loại nẹp này. Khi đó thì việc cần làm là hãy đến gặp ngay bác sĩ để được tư vấn nhé.
 
băng bảo vệ đầu gối
Nếu muốn sự dụng nẹp đầu gối thì hãy nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn nhé

Khi nào bạn cần phải sử dụng những chiếc băng gối này?

Nếu như bạn không gặp bất cứ vấn đề gì liên quan đến đầu gối thì có lẽ không nhất thiết phải dùng đến băng bảo vệ đầu gối. Ngoại trừ trường hợp bạn tham gia những môn thể thao có cường độ và độ khó cao, khi mà ở đó có nguy cơ dẫn đến chấn thương đầu gối.
 
Bạn cũng có thể dùng nó như để đề phòng những chấn thương. Nhưng tuyệt đối là không nên lạm dụng những chiếc băng này. Mình để ý thấy nhiều bạn cứ xách giày chạy thì nhất định phải đeo bằng được cái băng quấn gối hay băng xỏ gối mới chịu được. Chắc có lẽ là để cho đẹp.
 
Việc lạm dụng băng gối có thể dẫn đến tình trạng yếu và mất linh hoạt khớp gối. Nếu bạn không gặp bất cứ vấn đề gì thì hãy để đầu gối được tự do vận động. Đây là một cách để rèn luyện sức chịu đựng và khả năng bền bỉ của đầu gối. Hơn nữa lạm dụng sẽ khiến bạn hình thành thói quen phụ thuộc. Tức là phải có băng gối thì mới có thể chơi thể thao được. Từ đó sinh ra tâm lý lo sợ nếu chẳng may không có những chiếc băng này trên người.
 
Nếu như đầu gối bạn yếu hoặc đã từng bị tổn thương thì có lẽ việc sử dụng những chiếc băng gối là hết sức cần thiết. Nó sẽ giúp bạn tránh khỏi những chấn thương không đáng có. Hoặc ít nhất cũng sẽ đem lại cảm giác an toàn trong mỗi bước chạy.
 
Còn nếu như bạn đang gặp các chấn thương nặng và trong giai đoạn hồi phục thì tốt nhất nên gặp trực tiếp bác sĩ để được tư vấn một cách khoa học. Tránh tự ý sử dụng những loại băng được buôn bán tràn lan trên thị trường. Điều đó rất có thể sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng sau này đấy.
 

Cách lựa chọn và sử dụng những chiếc băng gối

Làm thế nào để lựa chọn được một chiếc băng gối phù hợp?

Căn cứ vào mục đích sử dụng và tình trạng của bạn để lựa chọn một chiếc băng gối phù hợp. Sau khi lựa chọn được loại băng có mức độ bảo vệ như bạn mong muốn thì tiếp theo là cần phải quan tâm đến mức độ vừa vặn của nó khi đeo hoặc quấn vào chân. Thông thường những chiếc băng này sẽ có nhiều size để bạn thoải mái lựa chọn.
 
Để đảm bảo mức độ bảo vệ thì những chiếc băng này phải đảm bảo độ căng cần thiết. Tức bạn sẽ phải cảm thấy cảm giác hơi bó chặt một chút khi lần đầu đeo nó. Dần dần bạn sẽ quen dần với mức độ bó chặt này. Chú ý không nên nén chặt quá. Việc này sẽ vô tình phản tác dụng và khiến vùng cơ xung quanh đầu gối bị tổn thương, hạn chế máu lưu thông, gây sưng tấy và run chân.
 
Đối với loại nẹp đầu gối thì tốt nhất bạn nên gặp trực tiếp bác sĩ để được hướng dẫn. Còn đối với loại đai đeo gối hay băng xỏ gối, băng quấn gối thì cách sử dụng hết sức đơn giản. Các bạn có thể mua về và tự đeo một cách dễ dàng.
 

Một số thông tin bổ sung

Còn có một dạng băng gối nữa mà mình chưa nhắc đến. Đó là dạng băng dài và bạn phải tự quấn nhiều vòng quanh đầu gối.
 
băng bảo vệ đầu gối
Cách cuốn băng bảo vệ đầu gối của bạn
Đối với dạng băng này thì điểu lưu ý là bạn phải để băng thật phẳng, tránh để gấp nếp hay bị rối. Tiếp đến là đặt một đầu vào chính giữa gối, quấn theo chiều kim đồng hồ xuống dưới gối rồi lại quấn ngược lên phía trên đến cách bánh chè 10cm thì bạn hãy thắt băng lại. Mỗi một lớp quấn nên cách một nửa chiều rộng băng quấn hoặc bạn có thể điều chỉnh một chút tuỳ thuộc vào chiều dài của dây.
 
Nhìn chung loại băng này cũng rất dễ sử dụng. Giá thành tuy rẻ nhưng hơi mất công cho bạn một chút mỗi khi sử dụng.
 
Mặc dù không liên quan đến băng bảo vệ đầu gối nhưng có một món đồ cũng được sử dụng để hỗ trợ đầu gối trong giai đoạn phục hồi chấn thương. Đó là băng dán cơ Kinesiology. Băng dán này có thể sử dụng ở bất cứ vùng cơ nào trên cơ thể. Và tất nhiên có thể dùng để dán lên vùng gối bị sưng đau hay chấn thương. Để tìm hiểu chi tiết về loại băng dán này bạn có thể lên google và search “kinesiology” nhé.
 
Tham khảo: healthline.com
 
Bài viết liên quan
0 0 votes
Đánh giá bài biết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x