Độ dốc gót – mũi của một đôi giày chạy bộ thế nào là đạt chuẩn?

Chắc hẳn chúng ta ít nhiều cũng đã từng nghe qua về độ dốc gót – mũi của một đôi giày. Đây chính là một trong những tiêu chí quan trọng để đưa ra quyết định trước khi mua giày.
 
Tuy nhiên có lẽ nhiều bạn vẫn chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của độ dốc gót – mũi của một đôi giày trong chạy bộ. Cũng chưa biết cách lựa chọn một đôi có độ dốc như thế nào để phù hợp với nhu cầu và mục đích chạy.
 
Do vậy trong bài viết này mình sẽ chia sẻ một số kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến độ dốc gót – mũi. Các bạn có thể tham khảo để có cái nhìn chính xác về định nghĩa này nhé.
 
độ dốc gót - mũi
 
 
Độ dốc gót – mũi chính là chênh lệch về chiều cao giữa phần gót và phần mũi của một đôi giày. Nó còn được gọi với một số cái tên như độ sụt gót, độ thả ngón,… Thông thường một đôi giày chạy bộ sẽ có mức chênh lệch gót – mũi khoảng từ 0 đến 14mm. Tuỳ từng loại giày mà sẽ có độ dốc khác nhau.
 
Căn cứ vào yếu tố độ dốc, giày được chia thành 4 loại:
– Không dốc: 0mm
– Dốc nhỏ: 1-4mm
– Dốc vừa: 5-8mm
– Dốc lớn: Trên 8mm
 
Độ dốc gót - mũi
Cách xác định độ dốc gót – mũi của một đôi giày
Các bạn cần phân biệt giữa độ dốc và chiều cao ngăn xếp (tức chiều cao của gót hoặc mũi giày). Đây là 2 yếu tố độc lập với nhau. Một đôi giày có độ dốc lớn chưa chắc có chiều cao ngăn xếp vượt trội và ngược lại.
 

Ảnh hưởng của độ dốc gót – mũi

Cách tiếp đất

Ảnh hưởng rõ nét nhất các bạn có thể thấy được đó chính là liên quan đến cách tiếp đất. Những đôi giày có độ dốc thấp sẽ có xu hướng tiếp mũi hoặc cả bàn chân. Còn những đôi dốc nhiều sẽ ưu tiên hơn cho việc tiếp gót.
 
Tại sao ư? Các bạn có thể hình dung như thế này. Trong khi chạy, ở thời điểm tiếp đất, lòng bàn chân của chúng ta sẽ tạo với mặt đường một góc không đổi. Nếu có thay đổi thì chỉ liên quan đến sải chân và độ xoay cổ chân mà thôi. Không có một chút liên quan đến giày chạy bộ.
 
Do vậy nếu như một đôi giày có độ dốc càng lớn thì đương nhiên sẽ càng ưu tiên tiếp đất lùi về phía gót rồi. Hơn nữa nếu đi trên chân một đôi giày có độ dốc lớn và tiếp đất bằng cả bàn chân thì chắc chắn mũi bàn chân của bạn sẽ bị đau đấy.
 

Tác động đến các vị trí trên cơ thể

Các đôi giày có độ dốc khác nhau sẽ có tác động đến những vị trí khác nhau. Tác động này liên quan đến cách tiếp đất mà mình đã nói ở trên.
Cụ thể, những đôi có độ dốc lớn (tương ứng với tiếp gót) sẽ tác động lên đầu gối và hông nhiều hơn.
 
Trong khi những đôi có độ dốc thấp (tương ứng với tiếp mũi hoặc tiếp cả bàn chân) sẽ tác động nhiều lên bàn chân, cổ chân, mắt cá chân, gót chân Achill và cả bắp chân nữa.
 
Đây được xem là một trong những cơ sở để đưa ra lựa chọn khi mua giày. Ví dụ như đầu gối bạn yếu thì tất nhiên khổng thể chọn một đôi giày khiến đầu gối bị chịu nhiều tác động được rồi. Do đó việc chuyển áp lực đến cổ chân và bắp chân sẽ là một lựa chọn thông minh hơn.
 

Nhịp chạy

Độ dốc gót – mũi có thể tác động đến nhịp chạy nữa đấy. Đơn giản vì độ dốc ảnh hưởng đến cách tiếp đất, và cách tiếp đất sẽ tác động một phần đến nhịp chạy.
 
Ở cách tiếp gót, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn cho việc tiếp đất. Quá trình tiếp đất sẽ bắt đầu từ gót giày cho đến mũi giày. Trong khi đó cách tiếp đất bằng mũi hay cả bàn sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Gọi cho dễ hiểu thì kiểu như tiếp đất một chạm vậy.
 
Hơn nữa để có thể tiếp gót bạn cần phải nâng sải chân lên. Bật xa hơn và chạy những bước dài hơn. Và tất nhiên khi đó nhịp chạy của bạn sẽ giảm đi rồi.
 
Một ý nghĩa sâu xa của vấn đề này các bạn có thể hình dung như thế này. Việc tiếp đất bằng mũi hoặc cả bàn sẽ tác động nhiều lên bàn chân, cổ chân và bắp chân. Đồng thời cách tiếp đất này giúp tăng nhịp chạy. Mà tăng nhịp chạy tức là giảm tác động lên phần chân của bạn.
 
Như vậy với những đôi có độ dốc thấp thì lựa chọn nhịp chạy nhanh sẽ là tối ưu. Để tìm hiểu sâu hơn về nhịp chạy các bạn có thể tham khảo tại bài viết: “Nhịp điệu chạy liệu có quan trọng trong quá trình chạy bộ?” nhé.
 

Giày chạy bộ có độ dốc gót – mũi lớn hay nhỏ phổ biến hơn?

Trước kia thì số lượng giày tiêu thụ của 2 loại này khá tương đồng nhau. Tuy nhiên loại giày có độ dốc vừa đến lớn đang có xu hướng gia tăng. Hiện tại chúng có lượng tiêu thụ gấp hơn 3 lần so với giày có độ dốc nhỏ.
 
Những đôi giày chạy bộ có độ dốc lớn ngày càng được sử dụng phổ biến
Điều này có lẽ đến từ việc nghiên cứu hành vi chạy bộ của phần lớn người chạy. Đa phần chúng ta có thói quen tiếp đất bằng gót nhiều hơn. Do vậy việc ưu tiên sản xuất những đôi có độ dốc lớn chắc chắn sẽ luôn là xu thế trong những năm tiếp theo.
 
Tuy nhiên điều quan trọng không phải là nhìn theo số đông. Hãy nhìn vào nhu cầu và tình trạng hiện tại của bạn để đưa ra lựa chọn. Có người thích chạy trên những đôi có độ dốc lớn, có người thì lại thích độ dốc nhỏ, còn có người lại thích chạy đồng thời cả hai loại giày này.
 

Nên lựa chọn giày chạy bộ có độ dốc gót – mũi như thế nào?

Không có một quy chuẩn nào về độ dốc của một đôi giày cả. Căn cứ vào sức khoẻ, thói quen, địa hình và một số yếu tố khác để có thể quyết định xem loại giày nào là phù hợp với mình.
 
Dưới đây là một số yếu tố các bạn cần lưu ý trước khi chọn giày:
 

Sức khoẻ

Nếu như bạn đang gặp các vấn đề về bàn chân, cổ chân, gót chân hay bắp chân thì lựa chọn có lẽ nên ưu tiên cho những đôi có độ dốc lớn. Còn nếu vấn đề nằm ở đầu gối hay hông thì những đôi giày độ dốc thấp sẽ là một lựa chọn an toàn hơn.
 

Nhịp chạy và sải chân

Nếu bạn có thói quen chạy với nhịp nhanh và sải chân ngắn thì có lẽ nên chọn những đôi có độ dốc nhỏ. Vừa hạn chế tác động lên bàn chân lại vừa hạn chế áp lực dồn nén lên mũi bàn chân. Vấn đề mà những đôi có độ dốc lớn chắc chắn sẽ gặp phải.
 
Còn nếu bạn quen chạy nhịp chậm và sải lớn thì nên ưu tiên hơn cho những đôi có độ dốc lớn nhé.
 

Địa hình

Điều quan trọng khi chạy đường mòn đó chính là việc thích nghi và cảm nhận địa hình. Khi này thì việc giảm sải chân chắc chắn sẽ là cần thiết. Và đương nhiên những đôi giày có độ dốc nhỏ sẽ giúp bạn làm tốt điều này.
 
Dùng giày có độ dốc thấp và chạy những bước ngắn trên đường mòn sẽ giúp việc chạy trở nên an toàn hơn đấy

Thay đổi độ dốc gót – mũi

Nếu bạn là một người mới chạy bộ hoặc có thói quen chỉ chạy trên một loại giày (tức là giày có độ dốc lớn hoặc nhỏ) thì cần phải lưu ý khi muốn chuyển sang loại giày khác. Việc thay đổi đột ngột độ dốc giày chắc chắn sẽ khiến bạn gặp phải một chút khó khăn. Thậm chí là hoàn toàn có thể dẫn đến chấn thương nữa đấy.
 
Do vậy bạn chỉ nên tăng hoặc giảm độ dốc giày trong một giới hạn nhất định. Không nên thay đổi quá nhiều. Còn không thì bạn cần phải có thời gian làm quen để hạn chế tối đa việc mất an toàn.
 

Kết luận

Độ dốc gót – mũi là một yếu tố quan trọng để đưa ra quyết định khi mua giày chạy bộ. Bạn cần phải căn cứ vào nhu cầu và tình trạng hiện tại để đưa ra lựa chọn cho hợp lý. Quan trọng là cần phải lắng nghe phản ứng của cơ thể để có những điều chỉnh đem lại sự an toàn.
 
                                                                                                      Tham khảo: runrepeat.com
 
Bài viết liên quan
5 1 vote
Đánh giá bài biết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x