Đế giữa EVA đúc nén so với ép phun – Đâu là sự khác biệt?

Như các bạn đã biết, đế giữa của một đôi giày chạy bộ là bộ phận vô cùng quan trọng. Có thể nói là quan trọng nhất và tốn nhiều chất xám nhất của các hãng giày. Thông thường, chất liệu làm nên đế giữa sẽ là bọt EVA. Đây là loại bọt tương đối mềm, nhẹ và cho khả năng đàn hồi khá tốt.
 
Tuy nhiên, các bạn đã từng nghe đến phương thức để làm ra một chiếc đế giữa hay chưa? Đây là một kiến thức rất ít được chia sẻ và cũng không có nhiều người quan tâm lắm. Do vậy, nếu bạn thực sự muốn tìm hiểu chi tiết về cách để tạo nên bộ phận đế giữa trên các đôi giày chạy bộ thì có thể tham khảo trong bài viết này nhé!
 
Như ở tiêu đề, mình cũng đã đưa ra 2 phương pháp sẽ được đề cập trong bài viết này. Đó là phương pháp đúc nén và phương pháp ép phun. Đây được xem là 2 phương pháp phổ biến nhất được ứng dụng để sản xuất đế giữa. Cụ thể là chúng chiếm tới 95% trên tổng số giày chạy bộ được sản xuất. Ngoài 2 phương pháp trên chúng ta còn có phương pháp in 3D và phương pháp đổ polyurethane. Nhưng đó là những phương pháp rất hạn chế và ít được sử dụng ở thời điểm hiện tại.
 
Trong bài viết này, mình sẽ chỉ tập trung làm rõ và chỉ ra những khác biệt giữa 2 phương pháp đúc nén và ép phun mà thôi. Liệu giữa 2 phương pháp này có những đặc điểm gì khác biệt? Cách chúng được tạo ra như thế nào? Làm thế nào để có thể phân biệt 2 loại đế này? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết ở phần sau nhé!
 
Đế giữa EVA đúc nén
 
 
Phương pháp đúc nén hay còn được gọi với cái tên CMEVA, là phương pháp nén một khối bọt xốp EVA (Ethylene Vinyl Acetate) bên trong khuôn kim loại. Giống như cách bạn làm bánh hoặc đúc một chiếc nồi nhôm vậy. Hình dạng khuôn sẽ chính là hình dạng bên ngoài của đế giữa. Dưới tác dụng của nhiệt độ và áp suất, vật liệu sẽ nở ra và lấp đầy bên trong khuôn. Sau một khoảng thời gian, khuôn nén sẽ được mở ra và ta sẽ có được một chiếc đế giữa mới với hình dạng bên ngoài giống như mặt trong của khuôn.
 
Đế giữa EVA đúc nén
Một ví dụ về đế giữa được tạo nên bằng phương pháp đúc nén. Chúng ta có thể thấy các chi tiết nhỏ rất sắc nét.
Đế giữa được giải phóng và được làm sạch để chuẩn bị cho sản xuất chiếc đế tiếp theo. Trước khi vật liệu được đưa vào khuôn, khuôn sẽ được tráng 1 lớp chất hoá học để tránh việc bọt EVA bám dính vào bề mặt khuôn. Nó giống như cái cánh mà bạn bôi mỡ vào mặt lá ở những chiếc bánh bằng gạo nếp vậy đó.
 
Sau khi tháo khuôn ta sẽ được đế giữa mới với kích thước đúng như kích thước của khuôn nén. Điều này có vẻ hiển nhiên nhưng tại sao mình lại nhắc tới vấn đề này? Đó là bởi đây chính là một trong những khác biệt lớn nhất của đế giữa đúc nén so với ép phun. Cụ thể phương pháp ép phun như thế nào mình sẽ trình bày ở phần sau.
 
Đế giữa có thể được tạo ra từ một lớp vật liệu hoặc cũng có thể từ nhiều lớp vật liệu. Nếu đế giữa có 2 lớp, chúng sẽ được gọi là đế giữa mật độ kép. Và nếu có nhiều hơn 2 lớp vật liệu, đó sẽ là đế giữa đa mật độ. Thông thường chúng ta sẽ bắt gặp những loại đế giữa có 1 hoặc 2 lớp vật liệu mà thôi. Với loại đế mật độ kép, phổ biến nhất là chúng được tạo bởi 2 bộ phận đúc nén. Trong một số trường hợp, đó là sự kết hợp của đúc nén và ép phun. Và tất nhiên, nó không quá tối ưu để trở nên phổ biến.
 
Mặc dù phương pháp đúc nén khá đơn giản, cho nền tảng vững chắc và ít có sai số, nhưng chúng cũng có nhược điểm. Cụ thể là nó gây nên sự lãng phí. Ở phương pháp này người ta sẽ phải cắt bỏ một số thành phần bọt EVA không cần thiết. Và vô tình sẽ tạo nên chất thải bọt EVA không hề nhỏ. Đế khắc phục tình trạng này, một số hãng giày đã áp dụng kết hợp quy trình nén và tiêm kết hợp. Họ sẽ đặt khối EVA đúc vào bên trong khuôn, sau đó bổ sung thêm chất phụ gia và tiến thành nén. Kết quả sẽ được một đế giữa có đặc tính của đế giữa đúc phun và nén. Phương pháp này các bạn có thể bắt gặp ở một số dòng giày của Hoka One One.
 

Phương pháp ép phun (IMEVA)

Phương pháp ép phun sẽ có một chút phức tạp hơn so với phương pháp đúc nén. Nhưng ngược lại, nó vô cùng thú vị. Một khối chất lỏng siêu nóng gồm vật liệu EVA nóng chảy và các chất thổi (chất phụ gia) được bơm vào khuôn mẫu. Điều đặc biệt là chiếc khuôn này có kích thước nhỏ hơn so với kích thước đế giữa mà hãng giày muốn tạo ra. Tại sao họ lại làm vậy? Câu trả lời sẽ có ngay ở phía dưới.
 
Sau khi khối vật liệu lỏng được đưa vào khuôn ép, để một thời gian và khối đông sẽ được đưa ra bên ngoài. Ngay sau khi đế giữa được giải phóng, nó sẽ giãn nở theo thời gian. Kích thước sẽ tăng đến mức quy định mà họ đã định trước. Và tất nhiên ít nhiều sẽ có dung sai. Đây chính là một khác biệt lớn so với phương pháp đúc nén. Đúc nén có kích thước không thay đổi và không có gì thú vị cả.
 
Việc khối vật liệu giãn nở ngay sau khi được đưa ra khỏi khuôn giống như bạn nắm chặt quả bóng cao su trong tay vậy. Nó sẽ nằm gọn trong bàn tay bạn khi nắm chặt và sẽ bung nở ra gấp nhiều lần khi bạn bỏ tay ra. Tuy nhiên không giống như quả bóng cao su, đế giữa ép phun sẽ bị co lại khi hạ nhiệt. Do vậy việc kiểm soát quá trình giãn nở của đế giữa rất phức tạp. Mặc dù phức tạp hơn nhưng nó không gây lãng phí vật liệu như phương pháp đúc nén.
 
Ở phương pháp ép phun, đế giữa tạo ra sẽ có trọng lượng nhẹ hơn một chút, mềm mại hơn và khả năng phản hồi cũng nhỉnh hơn so với phương pháp đúc nén. Đó có thể là một số lý do để bạn lựa chọn loại đế bằng phương pháp ép phun. Tuy nhiên, giữa 2 phương pháp này, đâu sẽ là phương pháp tối ưu và được sử dụng phổ biến hơn? Hãy cùng tìm hiểu ở phần tiếp theo để có câu trả lời nhé.
 

Phương pháp ép phun rất tốt, nhưng tại sao các hãng giày vẫn áp dụng phổ biến phương pháp đúc nén?

Thứ nhất, đế giữa đúc nén có thể đem lại chất lượng thiết kế tốt hơn so với đế giữa ép phun. Nếu xét về ngoại hình, đế giữa đúc nén sẽ trông bắt mắt hơn. Đơn giản bởi vì chúng giữ được hình dạng nguyên mẫu của khuôn. Ép phun thì khác. Chúng có sự biến dạng. Và tất nhiên họa tiết bên ngoài sẽ không được chi tiết và sắc nét cho lắm.
 
Thứ hai, đế giữa đúc nén giữ được dung sai tốt hơn so với đế giữa ép phun. Điều đó có nghĩa là đế giữa ép phun cho ra sản phẩm bị sai lệch kích thước nhiều hơn. Quá trình co giãn phức tạp khiến nó rất khó để đạt kích thước như mong muốn. Đặc biệt là ở loại đế giữa mật độ kép hay đa vật liệu. Quá trình co giãn khác nhau giữa các lớp mật liệu sẽ dẫn tới sự cố khi lắp. Vô tình nó sẽ để lại những khoảng trống không đáng có. Thông thường phương pháp IMEVA sẽ được ứng dụng để tạo ra đế giữa đơn vật liệu mà thôi.
 
Thứ ba, đúc nén sẽ tạo ra một đế giữa chắc chắn và bền bỉ hơn. Đó là điều các bạn cũng có thể dễ dàng nhận thấy.
 
Ngoài 3 lý do trên, còn có một lý do nữa. Đó chính là giá thành của khuôn đúc nén rẻ hơn so với khuôn phun. Tuy nhiên đây không phải lý do có ảnh hưởng quá nhiều. Chi phí này ít nhiều cũng chỉ để bù lại sự lãng phí do cắt bỏ vật liệu của phương pháp này mà thôi.
 

Cách nhận biết đế giữa đúc nén và đế giữa ép phun

Cách dễ nhất để nhận biết đế giữa đúc nén đó là nó có những “núm” nhỏ trên bề mặt. Chúng có nhiều chi tiết trên bề mặt. Và những chi tiết này rất sắc nét.
 
Hãy để ý những núm nhỏ trên bề mặt đế giữa. Đó là một dấu hiệu cơ bản để nhận biết đây có phải loại đế đúc nén hay không
Còn đế giữa ép phun thì sao? Chúng thiếu các chi tiết sắc nét hay các núm nhỏ. Bề mặt của nó sẽ nhẵn và bóng hơn.
 
Đế giữa trên Saucony Kinvara 6 là một ví dụ cho phương pháp ép phun. Chúng ta có thể thấy bề mặt đế giữa ở 2 bên khá nhẵn bóng và hầu như không có chi tiết nào thực sự sắc nét

Còn có phương pháp nào để sản xuất đế giữa nữa hay không?

Như đã nói ở phần đầu, ngoài đúc nén và ép phun, chúng ta còn có phương pháp in 3D và phương pháp đổ polyurethane.
 
Phương pháp đổ polyurethane từng phổ biến cho đến đầu những năm 2000. Còn bây giờ mình không chắc là nó còn tồn tại đâu. Đế giữa này được tạo ra bằng cách đổ polyurethane nóng chảy vào khuôn và kép chặt phần trên lại. Đế giữa loại này cũng rất dễ để nhận biết. Hãy để ý những lỗ nhỏ trên bề mặt. Đó chính là các bọt khí được hình thành trong quá trình rót.
 
Còn phương pháp in 3D thì sao? Những đôi giày in 3D sẽ sử dụng phương pháp in 3D SLS (Selective Laser Sintering). Tuy nhiên ở hiện tại, quy trình này không khả thi ở quy mô lớn. Những lời đồn thổi về sự kì diệu của đế 3D chỉ là những mánh khoé của tiếp thị. Sẽ có một bài viết mình trình bày chi tiết hơn về các phương pháp in 3D. Đó sẽ là một cách nhìn thực tế hơn về ngành công nghiệp sản xuất đế giày trông có vẻ hiện đại này.
 
Tham khảo: solereview.com
 
Bài viết liên quan
0 0 votes
Đánh giá bài biết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x